Đội tuyển Việt Nam thua đậm Nga bởi chênh lệch đẳng cấp, chứ không thuần túy bởi pha đỡ bóng hỏng dẫn đến bàn thua của Văn Lâm. Trong hành trình hướng đến AFF Cup vào cuối năm, thầy trò HLV Kim Sang-sik đã thu lượm được bài học quý.
Thất bại trong dự tính
Thất bại 0-3 trước Nga của đội tuyển Việt Nam trong ngày ra quân giải giao hữu LPBank Cup 2024 hoàn toàn nằm trong dự tính, bởi đối thủ của thầy trò HLV Kim Sang-sik quá mạnh. Đội tuyển Nga đứng hạng 33 FIFA, có 11 lần dự World Cup. Dù không mang tới Việt Nam lực lượng mạnh nhất, nhưng đại diện châu Âu vẫn ở trình độ vượt trội những đội Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia.
Cách đội tuyển Nga đánh bại đội tuyển Việt Nam cũng cho thấy phong thái của đội cửa trên. Kiểm soát thế trận, muốn đá nhanh là nhanh, đá chậm là chậm. Trong phần lớn thời gian trận đấu, đội tuyển Nga chơi thong dong. Các học trò HLV Valeri Karpin chưa quen với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Hà Nội. Cộng với mặt sân ở Mỹ Đình tương đối mấp mô, khiến cầu thủ Nga dường như muốn giữ chân, hơn là mạo hiểm ở một giải giao hữu.
Việt Nam 0 – 3 Nga Hàng thủ mắc sai lầm, hàng công bế tắc
Tuy nhiên, cứ mỗi khi tăng tốc, đội tuyển Nga lại có cơ hội và ghi bàn. Cách chơi này chỉ có thể xuất hiện trong những trận đấu giữa hai đội rất chênh lệch về trình độ. Đội cửa trên gần như chắc chắn thắng, vấn đề là họ chọn cách thắng ra sao. Trước khi thắng Việt Nam, đội tuyển Nga đã “nuốt chửng” Serbia, Belarus cũng bằng lối đá như vậy.
Phân tích như vậy để thấy, kể cả khi Đặng Văn Lâm không mắc sai lầm, đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ thua Nga, dù bằng cách này hay cách khác.
Lỗi sai của Văn Lâm, thực ra chỉ đáng tiếc với cá nhân thủ môn này. Anh mang trong mình dòng máu Việt Nam và Nga, từng ăn tập ở Dynamo Moscow và Spartak Moscow, hai trong số những đội bóng hàng đầu nước Nga. Văn Lâm đã chờ đợi trận đấu với Nga từ lâu. HLV Kim Sang-sik để Văn Lâm bắt chính, bởi hiểu được nguyện vọng của thủ môn sinh năm 1993.
Song, việc quá trông đợi ở trận đấu với Nga (xuất phát từ cá nhân Văn Lâm) cùng việc được chú ý rất nhiều (xuất phát từ giới mộ điệu) đã khiến thủ môn 31 tuổi mắc sai sót. “Có lẽ Văn Lâm đã gặp vấn đề tâm lý khi đối đầu đội tuyển Nga”, HLV Kim Sang-sik thừa nhận.
Dù vây, đổ lỗi hoàn toàn cho Văn Lâm là không công bằng. Bởi như đã nói, đội tuyển Nga chiếm ưu thế gần như tối đa, áp đảo trong từng pha phối hợp, tranh chấp. Gặp đối thủ vượt trội về trình độ, áp lực tâm lý luôn đè nặng lên những đội “cửa dưới”. Sai lầm xảy ra, có lẽ chỉ là chuyện sớm muộn. Trong ngày mưa nặng hạt, trên mặt sân Mỹ Đình mấp mô, sai lầm ấy đã đổ ập lên đầu Văn Lâm.
Highlight Việt Nam 0 – 3 Nga: Chênh lệch đẳng cấp
Không chỉ Văn Lâm, những cầu thủ Việt Nam khác cũng mắc sai sót. Chỉ là những sai lầm ấy không dẫn đến bàn thua trực tiếp mà thôi. HLV Valeri Karpin của đội tuyển Nga cũng phân tích thấu đáo: “Lỗi không chỉ của thủ môn Văn Lâm, mà còn của hàng hậu vệ nữa. Trong bóng đá, đừng đòi hỏi điều gì tuyệt đối. Chuyện gì cũng có thể xảy ra”.
Đội tuyển Việt Nam thua bởi hệ thống của HLV Kim không ưu việt bằng đối thủ. Chất lượng cầu thủ Việt Nam còn thua Nga… vài cây số. Văn Lâm từng được đào tạo ở Nga, nhưng khoảng cách giữa anh và cầu thủ Nga là bao xa? Điều đó cho thấy môi trường phát triển ảnh hưởng thế nào đến năng lực cầu thủ. Nhìn chung, thua đội như Nga không có gì phải bàn cãi. Quan trọng là thầy trò HLV Kim Sang-sik học được gì.
Vẫn là cái chân của Văn Lâm
Khả năng chơi chân từ lâu nay đã bị nhìn nhận là điểm yếu của Văn Lâm. Người gác đền sinh năm 1993 không phải mẫu thủ môn giỏi chuyền bóng.
Trong thất bại trước Iraq ở lượt đi vòng loại World Cup 2026, cú phát bóng của Lâm “tây” ở phút bù giờ bị cho là thiếu lực, sau đó dẫn đến bàn thua. Trong cuộc so tài với Nga, Văn Lâm cũng nhiều lần chuyền hỏng. Rõ ràng so với thủ môn 31 tuổi, Nguyễn Filip là lựa chọn ưu việt hơn trên khía cạnh chơi chân. Cuộc so tài với Nga sẽ giúp HLV Kim Sang-sik có thêm luận cứ để lựa chọn ai là người gác đền chính thức.
Điểm sáng trong trận gặp Nga, là đội tuyển Việt Nam không “nhắm mắt phá bừa” dù phải chơi phòng ngự thậm chí đến mức cực đoan. Mỗi khi đoạt lại bóng, học trò ông Kim thường kiên trì phối hợp để hóa giải áp lực, co giãn đội hình đối thủ. Việc chuyền bóng nhuần nhuyễn từ hàng thủ, bên cạnh mục đích xây dựng lối chơi, còn để tạo dựng sự tự tin. Như vậy, vai trò của thủ môn càng trở nên quan trọng.
Văn Lâm đã sắm vai trụ cột đội tuyển Việt Nam trong suốt 7 năm. Phản xạ, khả năng chỉ huy, bao quát và lối bắt bóng an toàn của Lâm “tây” từng là biểu tượng cho sự vững chãi nơi hàng thủ, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh cao của HLV Park Hang-seo. Song hiện tại, Văn Lâm cần nỗ lực hơn nữa để giữ vị trí.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tranh-cai-quanh-sai-lam-cua-van-lam-nhung-loi-dau-phai-rieng-anh-185240905230601378.htm